VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH 1 TÁC PHẨM VĂN HỌC (BÀI VIẾT SỐ 2 | BỘ SÁCH KNTT) | PHÂN TÍCH BÀI THƠ “CHỈ CÓ THỂ LÀ MẸ” - ĐẶNG MINH MAI

Ngày 01/10/2024 12:05:05, lượt xem: 13884

Đề bài: Viết văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (Phần viết bài số 2 | Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) | Phân tích bài thơ “Chỉ có thể là mẹ” - Đặng Minh Mai

 

 

BÀI LÀM

Shelly đã từng nói: “Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử”. Có những giá trị vững bền của cuộc sống được lưu giữ lại nhờ những vần thơ, có những nhịp ngân của tâm hồn được in dấu lại qua mỗi trang văn. Có lẽ, những vần thơ đã giúp con người ghi lại những nhịp đập của trái tim, ghi lại những tình cảm thiêng liêng nhất. Chính bởi vậy, nhà thơ Đặng Minh Mai đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình vào bài thơ “Chỉ có thể là mẹ” để tình cảm ấy sẽ đi qua sự băng hoại của thời gian tồn tại mãi với cuộc đời. 

 

Mở đầu cho những tâm sự của thi nhân là hình ảnh hoàng hôn bắt đầu buông xuống, là hình ảnh của mẹ bình yên sớm chiều:

“Nắng dần tắt trên con đường nhỏ

Dáng mẹ gầy giẹo giọ liêu xiêu

Mẹ về để nấu cơm chiều

Bữa cơm đạm bạc thương yêu ấm lòng”

Trời đã tắt nắng, nhưng giờ đây mới thấy dáng hình mẹ liêu xiêu, gầy gò trở về. Hai từ láy “giẹo giọ, liêu xiêu” đã gợi lên hình ảnh người mẹ già gầy yếu, héo hon lặng bước trên con đường nhỏ. Hình ảnh của mẹ còn hiện lên sự lam lũ, vất vả của cuộc đời, mẹ phải làm việc sớm khuya lo toan cho gia đình chẳng còn bận tâm đến cả dáng vẻ của mình. Mẹ vội vã, tất tả cả ngày đến buổi chiều lại vội về bên bếp lửa để thổi bữa cơm chăm lo cho gia đình. Bữa cơm ấy tuy đạm bạc nhưng luôn ấm áp tình yêu của mẹ. Tác giả đã tài tình vận dụng những đặc trưng của thể thơ song thất lục bát, với khổ thơ gồm một cặp câu bảy chữ và một cặp lục bát có tới bảy tiếng được gieo vần để giúp cho khổ thơ đầu tiên trở nên giàu vần điệu, dẫn dắt người đọc đi vào mạch nguồn cảm xúc của mình. 

 

ĐỌC THÊM: VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC || PHÂN TÍCH NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT VÀ NỘI DUNG CỦA TÁC PHẨM “LẶNG LẼ SA PA”

 

Từ bối cảnh một buổi chiều trên con đường nhỏ, tác giả suy ngẫm về mẹ, về cuộc đời không mấy bình yên, phẳng lặng của mẹ. Cả cuộc đời mẹ chẳng phút giây nào được nghỉ ngơi, luôn đau đáu lo cho chồng con, vất vả đủ đường: 

“Cả đời mẹ long đong vất vả

Cho chồng con quên cả thân mình

Một đời mẹ đã hy sinh

Tuổi xuân phai nhạt nghĩa tình đượm sâu”

Qua những vần thơ tác giả đã suy ngẫm về cuộc đời của mẹ, một cuộc đời gắn với hai chữ “hi sinh” lo cho chồng, cho con tới nỗi quên đi cả bản thân mình. Đối với mẹ, sự vui vẻ và hạnh phúc của những thành viên trong gia đình là niềm vui lớn nhất của mẹ. Người mẹ ấy sẵn sàng đánh đổi cả thanh xuân, hy sinh đi giấc mơ của mình để đổi lấy hạnh phúc cho gia đình. Bốn câu song thất lục bát với cách ngắt nhịp 3/4 3/2/2 đã nhấn mạnh hình ảnh người mẹ giàu đức hy sinh giúp cho tác giả bộc bạch được sự biết ơn và tình cảm chân thành đến mẹ của mình.

 

Cũng bởi hy sinh cho chồng cho con đến quên bản thân mình. Tuổi xuân của mẹ cũng phai nhạt dần vì năm tháng, giờ đây chỉ còn dáng hình liêu xiêu, mưa nắng nhuộm mái tóc mẹ:

“Mưa và nắng nhuộm màu tóc trắng

Bụi gian nan đọng lắng nếp nhăn

 Rụng rồi thương lắm hàm răng

   Lưng còng chân yếu ánh trăng cuối trời”

Tác giả tiếp tục tô đậm thêm hình ảnh tần tảo của người mẹ với dáng người gầy gò, khắc khổ, với mái tóc trắng nhuốm màu theo thời gian, với gương mặt già nua dọc ngang những vết chân chim đã nói lên sự đánh đổi của mẹ cho hạnh phúc ấm yên của gia đình. Bút pháp miêu tả với những chi tiết tả thực như: “rụng rồi hàm răng, lưng còng tay yếu,...” chẳng những khắc họa chân thực hình ảnh người mẹ mà còn thể hiện tình cảm yêu thương mẹ tha thiết của con. Một thứ tình cảm thiêng liêng mà đáng quý, được kết nối giữa con người với con người, cũng bởi những giá trị đích thực. Đến đây, bỗng làm ta nhớ đến những câu thơ đầy xót xa của Trương Nam Hương về mẹ:

“Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

 Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con một ngày thêm cao”

Thời gian đã lấy đi của mẹ mái tóc đen, lấy đi sức khỏe và để lại cho mẹ chỉ là những nếp nhăn nơi khóe mắt. Tác giả Trương Nam Hương đã khắc họa chân thực hình ảnh của mẹ với dấu vết của thời gian. Thời gian đã làm thay đổi rất nhiều thứ nhưng chỉ có một thứ duy nhất không bao giờ thay đổi đó là tình yêu của mẹ dành cho con. 

 

ĐỌC THÊM: DÀN Ý CHUNG CHO CÁC DẠNG BÀI VIẾT LỚP 9 MỚI NHẤT

 

Đặng Minh Mai ông cũng cùng chung cảm xúc với Trương Nam Hương khi nhắc đến sự hy sinh to lớn của mẹ:

“Tình của mẹ sáng ngời dương thế

Lo cho con tấm bé đến già

Nghĩa tình son sắt cùng cha

Giản đơn dung dị mẹ là mẹ thôi”

Tình yêu thương của mẹ ấy được ví như mặt trời, một thứ thật đẹp đẽ mà vô cùng ấm áp. Nó có thể xua tan đi những khó khăn, gian nan đến với con, mang đến cho con là niềm tin yêu, là động lực, là chỗ dựa để con thêm vững bước trên con đường mình chọn. Đó cũng là tình cảm của tác giả gửi đến tất cả những người mẹ Việt Nam trên khắp mọi miền tổ quốc. Những từ láy “dung dị”, “son sắt” kết hợp với những tính từ như “sáng ngời”, “giản đơn”… càng tô đậm thêm vẻ đẹp phẩm chất của người mẹ trong bài thơ. Bài thơ đã khép lại với đoạn thơ tuyệt đẹp:

“Con đi khắp chân trời góc bể

Ân tình nào sánh xuể mẹ yêu

Nghĩa dày độ lượng bao nhiêu

Có trong lòng mẹ sớm chiều bao dung.”

“Cuộc đời mẹ vất vả lo toan cũng bởi tình yêu mẹ dành cho con là vô bờ bến, ân tình ấy chẳng điều gì có thể sánh nổi. Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng, trân quý nhất của cuộc đời mỗi người. Tình yêu thương con của những người mẹ là rộng lớn mênh mông vô cùng. Yêu thương con, mẹ có thể làm tất cả vì con, hy sinh để dành những điều tốt nhất cho con. Không có một thứ tình cảm nào trong cuộc đời mỗi con người có thể vượt qua sự lớn lao và cao thượng của tình mẫu tử. Khổ thơ cuối cùng khép lại với hai câu thơ bảy chữ cùng với cặp lục bát đã giúp cho bài thơ kết thúc một cách nhẹ nhàng nhưng để lại trong lòng mỗi độc giả một cảm xúc sâu lắng không thể nào quên. 

 

“Chỉ có thể là mẹ” một tác phẩm thơ dạt dào cảm xúc với thể thơ song thất lục bát một thể thơ truyền thống của Việt Nam. Thông qua những dòng thơ song thất lục bát, ta hiểu được ý nghĩa, tâm tình của tác giả gửi gắm qua bài thơ. Đó là lòng biết ơn, là lòng yêu thương, sự kính trọng của những người con đối với mẹ. Niềm hạnh phúc của mẹ là con, chính vì thế, mỗi người con phải biết ơn và trân trọng thứ tình cảm cao đẹp mà mẹ đã dành cho mình.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10

Tin liên quan